Tiền điện tăng có thực do tăng giá và dùng nhiều?
May 01, 2019

Tiền điện tăng có thực do tăng giá và dùng nhiều?

May 01, 2019

Đỗ Thiên Anh Tuấn (*)

Nguồn: tuoitre.vn

Giá điện tháng Tư "tăng vọt"! Đó chỉ là cảm nhận của một số người hay là thực tế? Mọi người đều biết rằng, số tiền điện bằng lượng điện tiêu thụ nhân với giá điện. Chúng ta có thể nhẩm tính xấp xỉ theo công thức: tỷ lệ tăng số tiền điện bằng tỷ lệ tăng lượng điện tiêu thụ cộng với tỷ lệ tăng giá điện. Theo biểu giá điện mới, tỷ lệ tăng giá điện dao động từ ít nhất là 8,33% cho đến 8,4% tùy theo lượng điện năng tiêu thụ thuộc bậc nào. Do đó, nếu giả sử một hộ gia đình có số tiền điện tăng 50% thì lượng điện tiêu thụ phải tăng xấp xỉ 40%. Con số này dù lớn nhưng không là gì nếu ai đó cho rằng tiền điện của họ tăng hơn 1,7 đến trên 2 lần. Mọi người có thể tự kiểm tra lại chỉ số điện năng tiêu thụ trong các tháng của mình để so sánh. Nếu giả sử thực sự hành vi sử dụng điện trong tháng không thay đổi mà số điện năng tiêu thụ điện tăng nhanh thì có lẽ chính đồng hồ điện đang gặp vấn đề "nắng nóng" chứ không phải người dân. Tuy nhiên, nhiều người trong chúng ta chỉ cảm tính vì thực tế việc sử dụng điện là có tăng do thời tiết nắng nóng thời gian qua. Mặc dù vậy, trong trường hợp lượng điện năng tiêu thụ là đúng nhưng tiền điện theo thông báo của công ty điện lực "tăng vọt" thì có lẽ cũng cần phải kiểm tra lại cách tính tiền điện của công ty điện lực. Theo giải thích về cách tính tiền điện trong tháng 4 của một công ty điện lực, chúng ta nhìn có thể thấy nhiều điều bất hợp lý. Cách tính này làm phát sinh thêm một khoản "rò rỉ" tiền điện mà không phải do khách hàng.

Nguồn: Tác giả

Theo minh họa của công ty điện lực, một khách hàng tiêu thụ 292 kWh trong 31 ngày (kỳ hóa đơn 13/3 đến 12/4), thì số ngày sử dụng điện theo giá cũ là 7 ngày (tính đến thời điểm biểu giá điện mới có hiệu lực ngày 20/3), và số ngày dùng điện tính theo giá mới là 24 ngày. Số ngày dùng điện bình quân một ngày là 9,42 kWh (lấy 292 kWh chia cho 31 ngày trong kỳ). Như vậy, số điện năng tiêu thụ trong 7 ngày đầu là xấp xỉ 66 kWh và 24 ngày tiếp theo là 226 kWh. Cách phân bổ số kWh điện như vậy của công ty điện lực là phù hợp. Tuy nhiên, cách mà công ty điện lực vận dụng các biểu giá điện cũ và mới để tính tiền điện lại không hợp lý. Cụ thể hơn, cách tính của công ty điện lực đã bị nhầm lẫn giữa cái gọi là "hạn mức" điện năng dùng trong mỗi bậc với bản chất của biểu giá lũy tiến.

Cụ thể, thay vì phân bổ số kWh điện trong kỳ như trên để áp dụng cho 2 biểu giá điện như thông thường, công ty điện lực lại phân bổ số kWh điện trong mỗi bậc giá điện để áp dụng cho 2 biểu giá khác nhau. Với 50 kWh ở bậc 1, công ty điện lực đã phân bổ 11 kWh cho 7 ngày đầu (tính theo biểu giá điện cũ) và 39 kWh cho 24 ngày sau tính theo biểu giá điện mới. Tương tự, ở bậc thứ 2, công ty điện lực cũng phân bổ hạn mức 50 kWh theo tỷ lệ 7:24, tương đương 11 kWh cho 7 ngày đầu và 39 kWh cho 24 ngày sau. Cách phân bổ cũng tương tự ở các bậc tiếp theo. Như vậy, mặc dù tổng số kWh điện phân bổ cho 7 ngày đầu vẫn là 66 kWh và 24 ngày sau là 226 kWh, song cách tính này rất bất hợp lý bởi thời gian có tính tuần tự và sự gia tăng số kWh điện năng tiêu thụ cũng phải theo kiểu lũy kế chứ không thể "nhảy cóc" giữa hai biểu giá theo 2 thời kỳ như vậy được. Khách hàng không thể chỉ dùng 11 kWh trong 7 ngày đầu rồi "để dành" 39 kWh điện cho từ 7 ngày sau đó để áp dụng biểu giá mới. Tương tự các bậc khác cũng vậy, ví dụ ở bậc 3, khách hàng cũng không thể dùng 23 kWh và chuyển 77 kWh còn lại trong hạn mức 100 kWh của bậc 3 sau đó nhiều ngày.

Nhìn theo một chiều hướng khác, trong mỗi biểu giá điện cũ và mới, ứng với 66 kWh và 226 kWh cho 2 giai đoạn, việc phân bổ chỉ 11 kWh điện ở bậc 1, 11 kWh ở bậc 2, 23 kWh bậc 3, và 21 kWh bậc 4 trong biểu giá điện cũ cũng cho thấy tính bất hợp lý của nó. Trong khi hạn mức ở bậc 1 lên đến 50 kWh thì tại sao khách hàng chỉ được tính cho 11 kWh, còn lại chuyển sang các bậc giá cao hơn? Tương tự, tại sao khách hàng chỉ được phân bổ 11 kWh cho bậc 2 (hạn mức 50 kWh), 23 kWh cho bậc 3 (hạn mức 100 kWh) và 21 kWh còn lại cho bậc 4 (hạn mức 100 kWh) trong số 66 kWh trong khi hạn mức điện tiêu thụ được tính cho từng bậc khách hàng sử dụng vẫn chưa hết? Rõ ràng đây là điều không hợp lý. Việc phân bổ số kWh tính theo biểu giá mới cũng bất hợp lý như vậy. Tại sao khách hàng chỉ được tính cho số điện năng 39 kWh ở bậc 1 trong khi hạn mức dùng điện ở bậc này lên đến 50 kWh? Rõ ràng, cách tính này đã vô tình hay cố tính đẩy mức điện năng tiêu thụ của khách hàng lên tính ở bậc giá cao hơn. Tổng số tiền mà khách hàng phải trả theo cách tính này lên đến 594.715 đồng, trong khi cách tính hợp lý sẽ ít hơn đáng kể.

Nguồn: Tính toán của tác giả

Theo cách tính hợp lý hơn, trong 66 kWh phân bổ cho 7 ngày đầu, 50 kWh trong đó nên được tính theo giá bậc 1, 16 kWh tiếp theo sẽ được phân bổ cho mức giá bậc 2. Cách tính này phù hợp với thời hiệu 7 ngày của biểu giá cũ cho đến ngày 20/3. Tức là theo bản chất của biểu giá lũy tiến, 50 kWh đầu tính theo giá ở bậc 1, từ kWh thứ 51 trở đi đến kWh thứ 100 tiếp theo tính theo giá bậc 2, cứ như vậy đối với các kWh còn lại cho đến các bậc tiếp theo. Như vậy, tổng số tiền thanh toán cho 66 kWh theo biểu giá cũ là 103.500 đồng. Từ ngày 20/3, biểu giá điện mới có hiệu lực, và theo biểu giá điện mới này thì 50 kWh đầu tiên tính theo giá bậc 1, từ kWh thứ 51 tiếp theo đến kWh thứ 100 tính theo giá bậc 2, v.v... Như vậy, từ ngày 20/3 ứng với 226 kWh tiếp theo, 50 kWh trong số đó cần được tính theo giá bậc 1, 50 kWh tiếp theo tính theo giá bậc 2, 100 kWh tiếp theo tính theo giá bậc 3, và còn lại 26 kWh tính theo giá bậc 4. Số tiền ứng với 226 kWh này là 437.936 đồng. Tổng số tiền tính cho cả 292 kWh điện chỉ là 541.046 kWh điện (chưa tính 10% thuế GTGT).

Như vậy, cùng một mức điện năng tiêu thụ và cũng là mức sản điện mà EVN cung ứng, khách phải trả nhiều hơn 53.702 đồng chỉ vì cách tính toán không hợp lý. Những người sử dụng điện càng nhiều, hai cách tính tạo ra sự chênh lệch càng lớn. Con số này xấp xỉ khoảng 10% số tiền điện phải trả theo cách tính hợp lý, tức tương đương hoặc cao hơn tỷ lệ tăng giá điện bình quân 8,3% của biểu giá điện mới. Mọi người đều có thể nhẩm tính được tổng số tiền chênh lệch của hàng triệu khách hàng dùng điện sinh hoạt chỉ do cách tính này thì thế nào. Ở đây với tư cách là một đơn vị cung ứng điện độc quyền, công ty điện lực giữ quyền tính toán tiền điện nhưng theo một cách chủ quan, tùy ý, không hề được thông báo trước cho khách hàng. Một mặt nhà nước muốn tự do hóa giá điện nhưng từ lâu người dân đòi hỏi ngành điện phải sòng phẳng và minh bạch hóa trong cách hạch toán và tính toán giá điện trước. Mở rộng câu chuyện minh bạch khi gần đây ngành công thương lại đề xuất đóng dấu "Mật" lên giá điện thì thật không hiểu nổi. Một mặt Chính phủ muốn thúc đẩy sự phát triển hoàn chỉnh và đồng bộ của nền kinh tế thị trường, bắt kịp với thời đại cách mạng 4.0 nhưng tư duy quản lý nhà nước vẫn 0,4 như thế thì quả thật không ổn chút nào./.

 (*) Giảng viên Chính sách công, Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright

Những bài viết liên quan

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'