Biến đổi đô thị lớn: Tình huống của thành phố Hyundai, Ulsan
January 02, 2020

Biến đổi đô thị lớn: Tình huống của thành phố Hyundai, Ulsan

January 02, 2020

Ngày 2/1/2019, TS. Bae Yooil, Giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, đã có bài trình bày về lịch sử phát triển của thành phố công nghiệp nổi bật nhất ở Hàn Quốc và phân tích những giả thuyết giải thích nguyên nhân chuyển mình thành công của thành phố này.

 

 

Từ 1962 đến thập niên 1980, Ulsan đã trở thành thành phố công nghiệp quan trọng ở Hàn Quốc và khu vực Bắc Á trong khoảng thời gian rất ngắn. Ba ngành công nghiệp mũi nhọn của thành phố là chế tạo ô tô, công nghiệp đóng tàu và hóa dầu. Với sự hiện diện mạnh mẽ của Hyundai trong khu vực với hai tập đoàn công nghiệp là Hyundai Motor Company và Hyundai Heavy Industries, thành phố Ulsan còn có tên gọi là thành phố Hyundai.

Trước thành công nhanh và ấn tượng của Hàn Quốc khi biến một vùng quê nông thôn thành một thành phố công nghiệp hiện đại, những nhà nghiên cứu đi tìm lời giải đằng sau phép màu này. Quan điểm đầu tiên cho rằng Ulsan là thành quả của phát triển do nhà nước chủ đạo. Quan điểm này phản ánh thuyết nhà nước kiến tạo phát triển về vai trò của chính phủ Nhật Bản và Hàn Quốc trong giai đoạn phát triển quốc gia sau chiến tranh thế giới thứ hai. Nhà nước đi tiên phong, dẫn dắt thị trường và khối tư nhân ở những lĩnh vực mà theo họ là chiến lược đối với sự phát triển quốc gia và là người nhạc trưởng điều tiết sự phát triển công nghiệp qua chính sách viện trợ, thuế quan, đảm bảo cho vay, trợ vốn.

 

 

Lời giải thích này thể hiện rõ ràng qua lộ trình phát triển của công nghiệp ô tô tại Hàn Quốc. Sau 1962 khi Hàn Quốc ban hành quyết định xây dựng Ulsan trở thành thành phố công nghiệp đặc biệt, chính phủ thành lập các doanh nghiệp nhà nước chuyên sản xuất phụ tùng cho hãng xe nước ngoài như Nissan nhằm tạo tiền đề cho ngành chế tạo ô tô. Nhà nước ban hành nhiều chính sách ưu đãi cho Nissan như kiểm soát chặt số lượng xe nhập khẩu của các hãng khác, miễn thuế nhập khẩu đối với linh kiện ô tô và thuế doanh nghiệp cho nhà sản xuất. Đến năm 1967, Hyundai được phép lắp rắp những chiếc xe hơi hoàn chỉnh đầu tiên với linh kiện nhập khẩu 100% từ nước ngoài và trước 1970, 90% linh kiện đã có thể sản xuất trong nước.

 

 

Mặt khác, nhiều nhà nghiên cứu theo chủ nghĩa xét lại giải thích sự thành công của Ulsan từ vai trò của khu vực tư nhân. Tác động một chiều của nhà nước không là lời giải duy nhất cho phép màu Ulsan, những tập đoàn công nghiệp Hàn Quốc nhất nhất tuân thủ theo chiến lược phát triển quốc gia do nhà nước đề ra. Chung Ju Yung, nhà tư bản công nghiệp sáng lập ra tập đoàn Hyundai, "luôn chú ý đến những văn bản chính sách do Nhà Xanh (Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc) và Ban Kế hoạch Kinh tế ban hành vì những chính sách này sẽ quyết định hướng đi của nguồn vốn tài chính trong nước, đảm bảo khoản vay nước ngoài, viện trợ xuất khẩu..." (Joe Studwell, 2014, tr. 93). Đồng thời, những nhân tố quốc tế như mối quan hệ đồng minh với Mỹ cũng là yếu tố giúp nhà sản xuất công nghiệp Ulsan dễ dàng tiếp cận thị trường ở các nước phát triển, đặc biệt là Mỹ.

 

 

Như vậy, lý giải sự phát triển của Ulsan ngoài quan điểm chính thống cho rằng nhà nước là chủ đạo, cần phải có những góc nhìn về vai trò của doanh nghiệp tư nhân, động lực quốc tế và khu vực.

Những bài viết liên quan

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'