Cái giá của tấm bằng Thạc sĩ Chính sách Công Fulbright
April 07, 2022

Cái giá của tấm bằng Thạc sĩ Chính sách Công Fulbright

April 07, 2022

Theo số liệu được Bộ GD&ĐT tổng hợp trong vài năm gần đây về giáo dục đại học Việt Nam, mỗi năm có hơn 36.000 thạc sĩ tốt nghiệp. Thời gian tới, người học nhiều chương trình thạc sĩ sẽ không cần thi tuyển đầu vào. Bên cạnh đó, hình thức liên thông từ bậc Đại học lên thạc sĩ sẽ được triển khai rộng hơn khiến đầu vào thạc sĩ trở nên "thoáng" hơn. Giữa rất nhiều lựa chọn, các bạn trẻ với mong muốn có công việc làm hấp dẫn và mức lương cao sẽ chọn hướng đi cao học của mình như thế nào để cân bằng giữa chi phí và lợi ích?

Đối với lĩnh vực công, một người lấy thêm được bằng thạc sĩ sẽ có ưu thế cạnh tranh để được bổ nhiệm, để được thăng tiến. Thế nhưng, không phải ai cũng đưa ra quyết định theo đuổi văn bằng cao hơn nhằm nâng cao trình độ, để làm việc tốt hơn, có hiệu quả hơn. Thậm chí không ít người chọn theo đuổi tấm bằng thạc sĩ một cách tiêu cực – mua bằng bán điểm, khiến cho môi trường giáo dục sau đại học trở nên xuống cấp và không còn được đánh giá cao.

Tấm bằng Thạc sĩ và cái giá phải trả?

Con đường cao học là một sự đầu tư có lợi dành cho những ai mong muốn hướng đến một công việc tốt với mức lương cao. Tuy nhiên, khoản đầu tư này không phải là một con số nhỏ, và không phải ai cũng có thể tiếp cận được cơ hội theo đuổi một bằng cấp cao hơn. Chi phí liên quan đến một tấm bằng Thạc sĩ không chỉ gói gọn ở tiền học phí, mà còn các chi phí khác như sách vở, chi phí ăn ở hay đi lại, nhưng quan trọng hơn cả là chi phí cơ hội về thời gian.

Để theo đuổi giấc mơ “đổi đời” và đạt đến sự thành công như mong đợi, một số cá nhân có thể phải đi vay ngân hàng để đi học. Tương lai chưa biết thế nào nhưng trước mắt, họ phải đối mặt với một khoản nợ không nhỏ. Thậm chí, sau khi đã “đổi đời,” họ vẫn phải dành một phần tiền lương hàng tháng của mình để chi trả cho khoản vay này.

Một số chương trình Thạc sĩ, với mục tiêu xóa bỏ rào cản chi phí nhằm tăng cơ hội tiếp cận, đưa ra nhiều hình thức hỗ trợ tài chính và học bổng. Đơn cử, tại trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright (FSPPM), nhờ vào nguồn tài trợ từ Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, học viên được nhận vào lớp Thạc sĩ Chính sách Công (MPP), chuyên ngành Phân tích Chính sách sẽ nhận được 50%-100% học bổng, và học viên được nhận vào lớp Thạc sĩ Chính sách Công (MPP), chuyên ngành Lãnh đạo & Quản lý sẽ nhận được 40% học bổng.

Thế nhưng, anh Võ Thành Trung, cựu học viên MPP2020, chuyên ngành Lãnh đạo & Quản lý tại trường FSPPM chia sẻ: “Với số đông học viên mà tôi tiếp xúc, mức học phí, dù đã nhận 50% học bổng tại Fulbright, cộng với học phí chương trình tại Trường Harvard Kennedy vẫn là rào cản lớn để học viên có thể tham gia đầy đủ toàn bộ chương trình. Một học viên của lớp MPP Lãnh đạo & Quản lý, đang ở cấp quản lý trong công ty của họ, có thể cần tiết kiệm tới hai năm để có đủ kinh phí cho việc học tập này.”

Chi phí lớn nhất, khiến nhiều bạn trẻ đắn đo nhất là thời gian. Không phải ai cũng có thể dễ dàng từ bỏ công việc, cơ hội thăng tiến hiện tại để theo đuổi một tương lai còn bất định. Hơn nữa, không phải cơ quan công tác nào cũng chấp nhận cho nhân viên của mình đi đào tạo trong một thời gian dài.

Anh Trần Quang, hiện là Phó Trưởng phòng (phụ trách) UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Mình đã theo đuổi chương trình MPP chuyên ngành Phân tích Chính sách này tại Trường FSPPM trong 10 năm. Mình xin cơ quan cũng phải 10 lần, đến năm 2021 mới có thể đi học. Năm nào cũng đăng ký nhưng cơ quan không sắp xếp được và sau 15 năm đi làm, mình mới theo được chương trình này.”

Thời gian một cá nhân phải bỏ ra để tiếp cận cơ hội học thạc sĩ không chỉ là hai năm học chính thức, mà còn là thời gian luyện thi đầu vào, đặc biệt đối với những ai muốn học cao học ở các quốc gia khác ngoài Việt Nam. Các bài kiểm tra chuẩn hóa dành cho cấp bậc cao học như GRE hay GMAT đòi hỏi người thi phải dành một thời gian khá dài để ôn luyện. Chưa kể, đối với những ai có vốn tiếng Anh còn hạn chế, họ còn phải đầu tư thời gian học và thi những chứng chỉ tiếng Anh cần thiết.

Tuy nhiên, có thể nói rào cản lớn nhất khiến nhiều người ngần ngại theo học thạc sĩ là chất lượng đào tạo. Không phải bằng thạc sĩ nào cũng có giá trị như nhau, và không phải chương trình đào tạo nào cũng giúp nâng cao kiến thức, cải thiện kỹ năng xử lý công việc một cách hiệu quả và phù hợp. Thậm chí, một chương trình đào tạo cao cấp ở nước ngoài cũng chưa chắc có thể giúp một cá nhân thành công nếu như những kiến thức học được không phù hợp với môi trường làm việc, môi trường sống của họ ở Việt Nam.

Anh Nguyễn Tuấn Anh, hiện đang công tác tại Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn, chia sẻ: “Mình may mắn nhiều hơn so với một số anh em vì từng đi du học ở Mỹ, cả thạc sĩ và cử nhân. Nhưng về Việt Nam, mình thất bại. Mình nhận ra mình còn thiếu hiểu biết về thực tiễn, quy trình ở Việt Nam. Kiến thức mình học được ở Mỹ chỉ có ví dụ tình huống ở Mỹ khiến cho mình thấy mọi thứ trong xã hội Việt Nam quá mới mẻ, lạ lẫm.

Chính vì vậy, dù đã có hai tấm bằng từ đại học Mỹ, anh Tuấn Anh vẫn quyết định theo học chương trình MPP chuyên ngành Lãnh đạo và Quản lý tại FSPPM khóa 2021.

Giải pháp nào cho Thạc sĩ tương lai?

Tốt nghiệp với tấm bằng thạc sĩ trong tay có thể nói là mơ ước của rất nhiều bạn trẻ. Tuy nhiên, từ “mơ ước” và phát triển nó thành sự thật vẫn còn là một khoảng cách rất lớn.

Thành công không phải dễ dàng đạt được và không dành cho tất cả mọi người. Thành công là phần thưởng xứng đáng cho những người sẵn sàng hy sinh và chấp nhận rủi ro,” TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright, nhận định. “Và công việc của người làm công tác giảng dạy là làm sao để giúp chuẩn bị cho học viên của mình một hành trang kiến thức giúp họ đối mặt với rủi ro trong tương lai, để những hy sinh của họ là xứng đáng.”

Với mục tiêu giúp nhiều bạn trẻ có cơ hội theo đuổi bằng cao học, Trường FSPPM đã đưa ra nhiều sáng kiến mới, giúp giảm thiểu rào cản tiếp cận. Ngoài chuyên ngành Phân tích Chính sách yêu cầu học viên phải học toàn thời gian trong vòng 15 tháng, từ năm 2018, FSPPM đưa vào giảng dạy chương trình MPP chuyên ngành Lãnh đạo & Quản lý, với hình thức đào tạo bán thời gian trong vòng 18 tháng. Cứ 6 – 8 tuần, học viên Lãnh đạo & Quản lý tập trung một lần, mỗi đợt tập trung kéo dài trong 9 ngày, từ thứ 7 tuần này đến chủ nhật tuần sau, giúp những học viên bận rộn có thể thu xếp công việc của mình để theo học.

Chị Lê Thị Kim Hồng, Giám đốc Pháp lý, VPĐD GlaxoSmithKline Pte Ltd tại TP.HCM chia sẻ: “Thiết kế của chương trình Lãnh đạo & Quản lý phù hợp với những người đi làm như mình, vẫn có thể đi học mà không phải nghỉ việc. Mình may mắn làm ở công ty có chính sách khuyến khích nhân viên học để phát triển bản thân nên mình không khó khăn lắm trong việc có được sự đồng thuận và hỗ trợ của công ty và quản lý trực tiếp để sắp xếp thời gian đi học. Thật ra phần lớn thời gian đi học mình dùng ngày phép năm nên cũng không ảnh hưởng nhiều lắm đến công việc ở công ty nếu khéo léo sắp xếp.”

Để đến với FSPPM, các ứng viên phải trải qua kỳ thi kiểm tra đầu và/hoặc phỏng vấn. Tuy nhiên, các thủ tục này chỉ là một phần trong nỗ lực đảm bảo chất lượng đào tạo của nhà trường. Mối quan tâm lớn nhất của trường là chuẩn mực đầu ra, do đó FSPPM nỗ lực hết mình nhằm đem đến cho cộng đồng học viên một nền giáo dục được quốc tế công nhận, với chất lượng học thuật xuất sắc và chuẩn bị cho họ hành trang để sẵn sàng cho mọi cơ hội sự nghiệp trong nhiều lĩnh vực sau khi ra trường.

Mình không biết sau khi tốt nghiệp MPP, có thăng tiến trong sự nghiệp hay không nhưng chắc chắc mình được “thăng tiến” rất nhiều kiến thức tiếp thu được từ Thầy Cô, bạn bè; mình được học phương pháp tiếp cận đa chiều, phân tích, lập luận để tìm ra chân giá trị. Và mình tin rằng những kiến thức được học tại trường giúp mình rất nhiều trong công việc hiện tại và tương lai, cố gắng để là một lãnh đạo đích thực, hiệu quả,” cựu học viên Nguyễn Thị Bảo Trân, hiện là Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh An Giang, MPP2020 chuyên ngành Lãnh đạo và Quản lý, chia sẻ.

Thế nhưng, rào cản chi phí vẫn luôn là mối quan tâm rất lớn của khối quản lý Trường FSPPM. “Để duy trì một trường chính sách công đạt chuẩn quốc tế với kiểm định NASPAA, chúng tôi có rất nhiều chi phí cần phải lo,” TS. Vũ Thành Tự Anh bày tỏ. Chi phí theo học ở một trường có chuẩn mực quốc tế như FSPPM trên thế giới trung bình ở tầm khoảng 600 triệu đồng/học viên, chưa tính các chi phí khác. Chuẩn kiểm định NASPAA yêu cầu các trường đại học thành viên mở rộng quy mô của chương trình đào tạo, đa dạng các môn học và nâng cao chất lượng giảng dạy của đội ngũ giảng viên. Điều này đồng nghĩa với việc các trường như FSPPM phải đầu tư rất nhiều vào chất lượng đào tạo.

Học phí dù đã có học bổng 50% cũng là điều phải suy nghĩ cho những đối tượng đi học bằng nguồn lực tài chính của cá nhân. Tuy nhiên, sự đầu tư này là xứng đáng cho những gì học viên học được từ nhà trường và tích lũy cho bản thân. Cũng cần nói thêm, được 50% học bổng từ trường Fulbright danh giá thì giá trị động viên về mặt tinh thần nhiều hơn số tiền “định lượng”,” chị Lê Thị Kim Hồng chia sẻ.

Hiện tại, FSPPM vẫn đang cấp các loại học bổng toàn phần và bán phần cho học viên nhờ vào sự hỗ trợ của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ. Tuy nhiên, nguồn tài trợ này không phải là mãi mãi và chúng tôi vẫn luôn đắn đo tìm giải pháp thay thế. Dù vậy, chúng tôi luôn hy vọng học viên hiểu được tâm huyết của Trường và nhìn nhận được giá trị thực của tấm bằng MPP tại FSPPM,” TS. Vũ Thành Tự Anh bộc bạch.

Không thể phủ nhận rằng tấm bằng thạc sĩ có ảnh hưởng nhất định đối với con đường sự nghiệp của mỗi người. Một chương trình thạc sĩ tốt không chỉ giúp chúng ta phát triển kiến thức và kĩ năng chuyên môn mà còn giúp chúng ta có thêm nhiều mối quan hệ với những cá nhân tài năng từ nhiều lĩnh vực, ngành khác nhau đến từ mọi miền đất nước. Tuy nhiên, con đường đạt đến thành công luôn đòi hỏi một sự hy sinh nhất định. Mỗi chúng ta cần xác định rõ mục tiêu của bản thân, và cần cân nhắc thật kỹ về định hướng tương lai của chính mình. 

  • Thạch Thảo

Những bài viết liên quan

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'