Cognicity Open: Dự án thích ứng biến đổi khí hậu dựa trên Mã nguồn mở và thông tin từ cộng đồng
March 08, 2023

Cognicity Open: Dự án thích ứng biến đổi khí hậu dựa trên Mã nguồn mở và thông tin từ cộng đồng

March 08, 2023

Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright (FSPPM) vừa tổ chức seminar chính sách với chủ đề “Cognicity Open: Dự án thích ứng biến đổi khí hậu dựa trên Mã nguồn mở và thông tin từ cộng đồng” do Nashin Mahtani, Giám đốc Quỹ Bản đồ Thiên tai (Disaster Map Fund - Yayasan Peta Bencana trình bày. Trong seminar này, Mahtani đã chia sẻ kinh nghiệm xây dựng và duy trì CogniCity Open Source Software (OSS) - một trong những dự án dùng mã nguồn mở và dựa trên thông tin từ người dân giúp thích ứng biến đổi khí hậu dùng lớn nhất từ trước đến nay.

Mở đầu bài thuyết trình của mình, diễn giả Nashin Mahtani kể lại câu chuyện về trận lụt lịch sử ở thủ đô Jakarta của Indonesia vào năm 2021. Là một vùng lòng chảo có độ cao cách mực nước biển 7m, ngập lụt là một hiện tượng không còn mới lạ ở Jakarta, nhưng trận lụt năm 2021 đi vào lịch sử vì lần đầu tiên các khu vực ở trung tâm thành phố cũng bị nhấn chìm dưới nước. Hai nguyên nhân được nêu ra cho hiện tượng lần đầu xuất hiện này là do cường độ mưa càng lúc càng dữ dội (lượng mưa lớn hơn và xảy ra liên tục hơn) và thất bại của cơ sở hạ tầng hiện tại (một số khu vực của bờ đê chắn nước trong thành phố bị sụp đổ).

Cô Nashin Mahtani, Giám đốc Quỹ Bản đồ Thiên tai (Disaster Map Fund - Yayasan Peta Bencana)

Trước những thảm họa thời tiết này, một trong những cách ứng phó điển hình từ trước đến nay là xây dựng các công trình kỹ thuật lớn như đê đập chắn biển. Sau trận lụt lịch sử năm 2021, chính phủ Indonesia và các tổ chức nước ngoài cũng tìm đến các giải pháp tương tự với dự án có tên gọi là ‘bình thường hóa’ (normalization) với ý định xây các cột bê tông cao to chắn dọc theo bờ sông. Theo đánh giá của Nashin, các cột bê tông này đã chia cắt mối quan hệ giữa con người với nước và thay vì ngăn chặn thảm họa sẽ làm cho cộng đồng cư dân thêm bị động trước sự xuất hiện của thiên tai.

Trước cả sự ra đời của các hệ thống dự báo tiên tiến hiện đại, con người và động vật đã phát triển các kỹ năng quan sát những thay đổi của tự nhiên để dự đoán trước các thiên tai sắp sửa xảy ra. Những cộng đồng sống dọc hai bên bờ sông của thành phố Jakarta theo thời gian cũng phát triển kinh nghiệm quan sát màu sắc và dòng chảy của nước để đoán trước những trận lụt. Đây là cái mà Nashin gọi là tri thức địa phương (local knowledge) – một nguồn thông tin vô cùng quý giá mà các hệ thống dự báo khoa học thường bỏ qua hoặc chưa tận dụng được. Các cột bê tông của chương trình ‘bình thường hóa’ vô tình tước mất cơ hội để người dân tận dụng kỹ năng quan sát và tri thức địa phương của họ.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của tri thức địa phương, diễn giả Nashin tiếp tục kể thêm một câu chuyện khác về hai ngôi làng trên núi Semeru - một ngọn núi lửa vẫn còn hoạt động ở Indonesia. Dọc hai bên sườn núi lửa Semeru là nhiều cộng đồng dân cư sống rải rác cùng với các loài động vật bản địa, trong đó nổi bật nhất là khỉ. Ở một trong những ngôi làng đó, các nhà nghiên cứu người Mỹ đã lắp đặt một hệ thống cảnh báo sớm dựa trên các yếu tố sơ cấp (primary factors) để dự báo thời điểm núi lửa có thể phun trào và báo động cho người dân kịp thời di tản.

Ở sườn núi phía bên kia cũng là một ngôi làng khác không nằm trong nhóm thử nghiệm nhưng người dân ở làng này lại có cách tiếp cận khác với những người hàng xóm ở sườn núi đối diện. Thay vì đánh đập và xua đuổi, người dân ở đây cho ăn và cố gắng làm bạn với những con khỉ sống trên triền núi. Trong một đợt núi lửa phun trào bất ngờ, loài khỉ đã quyết định ‘đền ơn’ dân làng bằng cách chạy xuống sườn núi nơi có ngôi làng cho chúng ăn và vô tình trở thành công cụ báo động sớm và chính xác cho cư dân về hoạt động của núi lửa. Trong khi đó, ở ngôi làng còn lại, hệ thống cảnh báo của Mỹ không thể phát hiện ra hoạt động của núi lửa và không hề phát ra bất kỳ cảnh báo nào dẫn đến thương vong và thiệt hại. Loài khỉ và các loại động vật khác có khả năng phát hiện và báo trước sự xuất hiện của thiên tai dựa trên các yếu tố thứ cấp (secondary factors) mà các hệ thống máy móc hiện đại chưa thể lần mò ra được. Theo diễn giả Nashin, sống hòa hợp với thiên nhiên để tận dụng các tri thức địa phương này chính là chìa khóa để chúng ta thích ứng với biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt trong thế kỷ 21.

Quay trở lại với lũ lụt ở Indonesia, nhóm nghiên cứu của Nashin nhận ra trong những trận lũ lụt người dân Jakarta lại có thái độ lạc quan và hào hứng với dòng nước và họ có sở thích chụp ảnh selfie ghi lại khoảnh khắc bản thân và những người xung quanh trong dòng nước lũ và đăng tải lên mạng xã hội phổ biến nhất ở nước này là Twitter. Nashin và các cộng sự của mình nhận ra những hình ảnh và đoạn post này có thể trở thành một kho dữ liệu theo thời gian thực quý giá nếu biết cách khai thác và tái cấu trúc lại thành những định dạng mà máy tính có thể xử lý được. Xuất phát từ ý định đó, nhóm nghiên cứu của Nashin chế tạo ra một con bot có thể quét các nội dung đăng tải lên Twitter và dò tìm những từ khóa có liên quan đến lũ lụt. Sau đó chatbot sẽ tự động liên hệ và yêu cầu người đăng cung cấp thêm thông tin về mực nước lũ, hình ảnh dòng nước và vị trí định vị của họ.

Tất cả những thông tin sẽ được cập nhật ngay lập tức lên một bản đồ trực tiếp (live map). Bản đồ này mở rộng quyền truy cập cho tất cả mọi đối tượng. Người dân có thể sử dụng bản đồ này để nắm bắt tình hình nước ngập ở những khu vực khác nhau trong thành phố, đoạn đường nào vẫn còn di chuyển được và đoạn đường nào có mực nước ngập quá cao, không thể di chuyển bằng phương tiện cá nhân được. Các cơ quan chính phủ và tổ chức cứu hộ cũng có thể truy cập vào bản đồ này để biết địa điểm nào đang gặp nguy hiểm và cần sự hỗ trợ từ chính quyền. Sau khi nước lũ rút đi, bản đồ này lại trở thành kho dữ liệu phong phú cho các tổ chức nghiên cứu về khí hậu và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Nhờ giao diện thân thiện với người dùng, các yêu cầu nhập thông tin đơn giản và dễ thực hiện, đã có gần 30 triệu người tham gia và gửi thông tin về cho mạng lưới CogniCity. Theo cách nói của diễn giả, 30 triệu người dùng này tương đương với việc mạng lưới nghiên cứu của họ đã có 30 triệu cảm biến ‘nhân tạo’ với mức độ thu thập và phân loại thông tin chính xác hơn cả các cảm biến điện tử. Hơn nữa, tất cả những thao tác chụp và gửi thông tin hoàn toàn không yêu cầu người dùng phải cài đặt bất kỳ ứng dụng, phần mềm hoặc trả một khoản phí nào. Tất cả đều có thể được thực hiện thông qua tương tác trên nền tảng mạng xã hội, đem đến sự thuận tiện tối đa và không tạo bất kỳ rào cản nào trong quá trình cung cấp thông tin. Điều này cũng xuất phát từ quan sát rất thiết thực của nhóm nghiên cứu về hành vi người dùng là mọi người không có thói quen cài đặt trước các ứng dụng cảnh báo và cứu trợ trước khi thiên tai xảy ra; tuy nhiên, nhu cầu của những ứng dụng như thế lại tăng vọt và trở nên khẩn cấp hơn bao giờ hết vào thời điểm thiên tai xuất hiện. Chính vì vậy, nhóm nghiên cứu của Nashin đã quyết định tận dụng các nền tảng hiện hữu mà bất kỳ người dân nào cũng cài đặt sẵn trong điện thoại của họ như Twitter, Facebook, WhatsApp,…

Xuất thân là một kiến trúc sư, Nashin nhấn mạnh, ở thế kỷ 21 chúng ta phải xem phần mềm như mộtloại cơ sở hạ tầng trong đó dữ liệu, hành vi xã hội, mức độ nhận thức của người dùng và các yếu tố chính trị đều là những mảnh ghép tạo nên nền tảng này. Theo lời của diễn giả, cơ sở hạ tầng mềm này có thể thay thế và chống đỡ trong trường hợp các cơ sở hạ tầng cứng sụp đổ hoặc quá tải. Cơ sở hạ tầng mềm/phần mềm cũng gợi mở ra một cách khác để con người chung sống với dòng nước lũ một cách hòa thuận hơn so với các dự án theo kiểu cũ như dự án ‘bình thường hóa’ cố tình tách biệt con người với thiên nhiên. Ưu điểm của phần mềm là tính linh hoạt và cho phép nhiều đối tượng có thể cùng tham gia vào công việc thiết kế, cung cấp dữ liệu và nghiên cứu. Nền tảng mã nguồn mở cũng tạo điều kiện để mô hình này mở rộng về mặt địa lý sang các khu vực và quốc gia dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu. Thực tế, mô hình CogniCity đã được nhân rộng sang Philippines và có một số dự án thử nghiệm ở Hồng Kông và TP. HCM.

  • Quỳnh Chi

Những bài viết liên quan

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'