Đi học là sự đánh đổi rất đáng giá
March 18, 2024

Đi học là sự đánh đổi rất đáng giá

March 18, 2024

Cứ mỗi lần tôi định viết về Trần Thị Bích Ngọc (MPP23-LM), thì lại thấy tin ê-kip của Ngọc vừa nhận một giải thưởng, hoặc Ngọc vừa nhận một trọng trách (thành viên ban giám khảo ở một liên hoan phim quốc tế chẳng hạn). Ngọc lại tất bật với những chuyến công tác. Lần này, để "tóm" được Ngọc, tôi phải hẹn trước khoảng mười ngày.

Một sáng thứ Bảy Sài Gòn ngập nắng vàng ươm, Ngọc vừa trở về từ một workshop điện ảnh ở Lagi (Bình Thuận). Chị cho biết, công việc hiện tại là tìm nguồn tài trợ (khoảng một triệu đô-la Mỹ) cho một dự án điện ảnh.

Hồi chị mới nhập học Fulbright, dự án "Cu li không bao giờ khóc" bắt đầu bấm máy. Nay bộ phim đoạt giải Phim đầu tay xuất sắc tại Liên hoan Phim Berlin. Còn chị đã nhận bằng tốt nghiệp Fulbright hồi tháng 10 năm ngoái. Có vẻ mọi việc cả công lẫn tư đều suôn sẻ nhỉ!

Tôi đi cùng dự án một thời gian khá dài, nhưng vào giai đoạn quay thì chỉ kịp tham gia lúc đầu. Khi nhập học rồi, tình hình học hành căng thẳng quá, tôi đã phải chuyển cho các bạn trẻ đảm nhiệm thay. Thành công này là của các bạn ấy chị ạ!

Vừa vào học đã căng thẳng, cụ thể như nào vậy? Không như chị hình dung à?

Thì, mặc dù đã chuẩn bị một tâm thế rất... nghiêm trọng để bắt đầu việc học, tôi dự định việc học này chỉ nên chiếm tối đa năm mươi phần trăm quỹ thời gian của mình thôi. Tuy nhiên, thực tế đòi hỏi gần như 100% trong những đợt học tập trung. Mà tính tôi làm gì cũng muốn thật cẩn thận, thật tới nơi tới chốn. Nên tôi đã bị sốc ngay từ kỳ học đầu tiên.

Ảnh: FSPPM

Chị cụ thể hơn về cú sốc đấy được không?

Tôi nhập học cùng lúc với con trai tôi vào lớp Một. Dịch COVID buộc hai mẹ con đều phải học online. Mỗi buổi vào Zoom, tôi ôm laptop ngồi cạnh con trai cũng ôm laptop. Thầy Phạm Duy Nghĩa giảng bài, mà tôi có nghe, có nhìn được mấy đâu. Ông con liên tục cần sự trợ giúp. Mà các bạn TA (trợ giảng) chẳng... tế nhị gì cả. Các bạn... không tha cho tôi, nhắn tin công khai trên lớp: "Đề nghị chị Trần Thị Bích Ngọc phát biểu"! Trời ơi, tôi có nghe được gì đâu mà phát biểu.

Sau buổi đấy, tôi nghĩ mình... thua chắc, nhưng tự nhủ: Thôi, cứ học thử nốt đợt này, vì dù sao cũng đã nộp học phí rồi mà, rồi tính tiếp.

Chưa hết, bài luận hết môn của tôi, thầy nhận xét nào phân tích sắc bén, nào lập luận chặt chẽ, mà điểm thì chị biết bao nhiêu không, 65 trên 100!

Một bài tập của môn Vi Mô học kỳ đầu, có câu hỏi về tính chi phí cơ hội khi đi học ở Fulbright, nếu làm bài tập đấy vào kỳ cuối chắc chắn nó sẽ là một con số cực khác. Rất đúng với lời của thầy, tuối càng cao đi học thì chi phí cơ hội càng lớn! Tuy nhiên, tôi phải nói là rất đáng giá!

Ảnh: FSPPM

Chị có kỷ niệm nào thật sâu sắc về chuyện chị đã phải "vật lộn" như thế nào trong kỳ học đầu tiên không?

Kỳ học online tháng 12 năm 2021, ngồi trong nhà, tôi không thể tập trung đọc, nghĩ hay viết lách gì được. Tôi bèn có sáng kiến: Xách vali đi công tác. Tôi thuê khách sạn gần nhà, ngồi lỳ trong đó một tuần, chỉ tập trung học hành cho xong. Rồi tôi xách vali trở về nhà, ngang qua một cửa hàng bán quà tặng Giáng sinh, tôi vào mua hộp chocolate hình tuần lộc rất đẹp, về nói với con: "Mẹ đi công tác về, có quà cho con đây". Đến giờ tôi cũng không rõ gia đình tôi có nhận ra "bất thường" gì ở tôi không, mà không một ai hỏi tôi đi công tác ở đâu, đang dịch Covid mà (cười).

Qua những gì chị vừa kể, thì có vẻ sự đánh đổi quá rõ nhỉ: Nào tiền bạc, nào là cân bằng thời gian chăm sóc con, cuộc sống và công việc phần nào bị xáo trộn!

Mọi chuyện đến như nó hẳn phải đến. Việc học khi ấy đã là một nhu cầu bức bách trong tôi, nó cứ thôi thúc. Mà có gì lại không phải đánh đổi hả chị. Tôi nghĩ con tôi còn bé cũng là một... lợi thế, rằng cháu còn nhiều thời gian, nên tôi tỉ tê với con để con thông cảm, ưu tiên cho mẹ. Còn công việc, cũng đã đến lúc để các bạn trẻ tham gia sâu sắc hơn. Cơ mà, sau cùng, tôi vẫn biết tôi may mắn, may mắn vì được tất cả mọi người ủng hộ.

Chị vừa nói "bức bách". Chị có thể chia sẻ thêm không?

À, từ tháng Hai năm 2021 tôi đã muốn đi học, tính tôi thì cái gì muốn phải làm ngay. Thấy Fulbright lịch nhập học mãi tháng Mười, lâu quá, tôi đi tìm hiểu thêm vài nơi khác. Rồi tôi đăng ký, đóng tiền vào học một chương trình đào tạo thạc sĩ về kinh tế, được hai đợt thì bỏ, để theo Fulbright đấy!

Ảnh: Bích Ngọc

Tôi biết nhiều trường hợp vào học Fulbright khi đã có một bằng thạc sĩ, thậm chí bằng tiến sĩ. Tuy nhiên, chuyện đang học một chương trình thạc sĩ khác mà dừng lại để chọn Fulbright, thì tôi mới nghe lần đầu đấy!

Khi tham dự các buổi tư vấn tuyển sinh của Fulbright, dù chỉ tổ chức online (vì dịch COVID), tôi đã nhận ra trường rất quan tâm đến từng ứng viên, sau này là học viên. Đó là điểm thật sự khác biệt với các chương trình đào tạo thạc sĩ mà tôi đã có trải nghiệm. Ở nơi tôi đã học hai đợt như vừa kể ở trên, thậm chí tôi không biết giáo vụ là ai, có khúc mắc cũng không biết hỏi ai...

Ở Fulbright, một số môn học về kinh tế với tôi đúng nghĩa "kinh hoàng". Ngoài giờ trên lớp, nếu không có đội ngũ trợ giảng kề vai sát cánh, chắc tôi đã không qua nổi. Các bạn luôn ở đó giảng lại bài cho đến khi tôi hiểu mới thôi. Buổi đêm, họ bị "tra tấn" nhiều nhất vì chúng tôi cày bài tập vào ban đêm mà.

Ngày đầu nhập học, tôi có nghe thầy cô nói: "Chỉ cần bạn cố gắng, sẽ không ai bị bỏ lại phía sau". Thực tế luôn diễn ra đúng như vậy. Một số bạn trong lớp nếu điểm số không cao, lập tức có trợ giảng chủ động liên lạc hỗ trợ để bạn hiểu bài hơn. Tôi thật sự ngạc nhiên và cảm kích vì phong cách làm việc tận tụy này.

Ở đầu cuộc trò chuyện này, chị có bảo: chị bị sốc với cường độ học, với các yêu cầu khắt khe từ chương trình và ban giảng viên, chị không nghĩ rằng chị sẽ tiếp tục sau học kỳ Thu. Vậy rồi điều gì đã làm chị phải nghĩ lại?

Thì càng học càng thấy hay quá! Các thầy Phạm Duy Nghĩa, thầy Vũ Thành Tự Anh, thầy Nguyễn Xuân Thành, thầy Phạm Văn Đại... nói cho mình bao nhiêu là điều mình chưa biết. Mình say mê thật sự ấy, vì say mê nên không còn thấy vất vả nhiều nữa. Nếu ở Sài Gòn, tôi luôn muốn tham dự tất cả các buổi hội thảo, các phiên bảo vệ luận văn của các học viên khác. Đây là những lợi ích mà theo tôi, là vô giá, bên cạnh những buổi giảng mà buổi nào cũng như vắt trọn tâm huyết của các thầy để cống hiến cho học viên chúng tôi.

Ảnh: Bích Ngọc

Trong các sự kiện tư vấn tuyển sinh, vẫn có nhiều ý kiến băn khoăn rằng, người làm việc ngoài khu vực công có nên, hay nhất thiết cần học chính sách công? Chị thì sao? Nếu được các bạn trẻ trong ngành hỏi, chị có khuyên họ đi học ở Fulbright không?

Ai, không chỉ người trong ngành, hỏi thì tôi cũng sẽ đề nghị NÊN!

Theo tôi, chính sách công, qua những gì tôi được học, đã trải nghiệm ở Fulbright, liên quan đến mọi người, mọi lĩnh vực trong một xã hội. Tôi thấy thật thiết thực và gần gũi, sau mỗi phần lý thuyết trên lớp, mỗi anh chị em học viên chúng tôi đều có thể áp dụng lý thuyết đó vào ngành nghề mỗi người đang làm để soi chiếu, phân tích, tạo nên những cuộc thảo luận rất sôi nổi, thú vị mà thực tiễn ngay trong lớp học. Trước kia, tôi dễ bất bình với các hiện tượng, sự kiện hay thông tin tiêu cực. Nay tôi nhìn nhận mọi việc một cách điềm đạm hơn, có ý kiến phản biện, biết cách lý giải để hiểu nguyên nhân, lý do đằng sau đó – từ đó đưa ra những phương án mềm mỏng, hiệu quả hơn đối với các vấn đề có ảnh hưởng trực tiếp đến cá nhân hay công việc của mình. Tự bản thân tôi có cách để giải tỏa cảm xúc cho chính mình, tôi nhận thấy thay đổi bản thân là điều quan trọng nhất. Tôi cho rằng, đây là điểm tích cực dễ nhận biết nhất sau khi học Fulbright!

Ảnh: Bích Ngọc

Theo chị, phụ nữ có bất lợi gì không khi học tập về chính sách công, lại ở một nơi đòi hỏi rất nghiêm ngặt như Fulbright?

Chị biết đấy, quy định khi nộp hồ sơ dự tuyển là phải kể tên hai người giới thiệu mình. Người giới thiệu mà mình chọn đương nhiên phải có uy tín. Hồi ấy, tôi nhờ tên một người là đàn anh trong nghề. Vì cũng thân quý, nên tôi chia sẻ băn khoăn, rằng không chắc tôi có học nổi hay không. Thật tình cờ và may mắn cho tôi, anh ấy đã có một trải nghiệm rất tích cực: Cháu gái anh tận ba đứa con mà còn học được. Em chắc chắn phải học được chứ! Tôi mang theo lời nhắn gửi ấy làm động lực để vượt qua từng chặng học vất vả, thậm chí đầy thử thách. Tôi biết ơn các thầy, các trợ giảng, biết ơn các bạn nhân viên trong trường, biết ơn các anh chị cựu học viên vì họ không bao giờ từ chối khi tôi cần giúp đỡ, hay thậm chí một lời động viên đúng lúc cũng là món quà quý giá đối với tôi.

Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này! Chúc cho các dự án sắp tới của chị sẽ thật suôn sẻ!

Trần Thị Bích Ngọc, tốt nghiệp ngành Đạo diễn trường Đại học Sân Khấu Điện Ảnh Hà Nội năm 1998, song lại được biết đến như một trong những nhà sản xuất hàng đầu của Việt Nam, với nhiều bộ phim thành công trên thế giới. Chị cũng là đồng sáng lập ra chương trình điện ảnh phi lợi nhuận mang tên Gặp Gỡ Mùa Thu từ năm 2013, nơi kết nối và giao lưu giữa các tài năng trẻ của điện ảnh trong và ngoài nước. Với những nỗ lực đóng góp của mình, chị đã được ghi danh là một trong năm mươi người phụ nữ có ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2019 do Forbes bình chọn.
  • Ngọc Diệp

Những bài viết liên quan

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'