Đưa chính sách công đến gần công chúng qua các buổi Policy Talk
June 25, 2022

Đưa chính sách công đến gần công chúng qua các buổi Policy Talk

June 25, 2022

Nằm trong chuỗi sự kiện tuyển sinh chương trình Thạc sĩ Chính sách công (MPP) năm 2022 của Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright (FSPPM), ba buổi tọa đàm chính sách (policy talk) đã được tổ chức trong tháng 6 tại Cần Thơ, Đà Nẵng và Nha Trang với sự tham gia đông đảo của những người quan tâm đến các vấn đề chính sách.

Các chủ đề chính sách được các giảng viên cao cấp của FSPPM lựa chọn cho các buổi policy talk là những chủ đề mang tính thực tiễn, những vấn đề “sát sườn” của Việt Nam được khéo léo lồng ghép trong khung phân tích chính sách đặc sắc của trường Fulbright. Ngoài mục đích mang những kiến thức về các vấn đề chính sách đến gần hơn với mọi người tại nhiều tỉnh thành trong cả nước, các buổi policy talk còn là cơ hội cho các ứng viên quan tâm đến chương trình MPP được gặp gỡ và trao đổi trực tiếp với các chuyên gia, giảng viên, cùng mạng lưới cựu học viên xuất sắc và đa dạng của Fulbright.

Trở về thành phố Đà Lạt sau buổi policy talk về kinh tế vĩ mô do giảng viên cao cấp Nguyễn Xuân Thành trình bày tại Nha Trang ngày 18/6, chị Lý Mỹ Dung, Giảng viên Đại học Đà Lạt chia sẻ niềm xúc động được tham gia buổi tọa đàm với nhiều kiến thức và thông tin bổ ích, thú vị. “Slide bài giảng của thầy Nguyễn Xuân Thành đơn giản, cô đọng và chứa nhiều nội dung thú vị. Những con số mà thầy Thành trình bày trong bài giảng khiến tôi cảm thấy chúng như biết nói. Tôi ấn tượng nhất phần thầy Thành nói về chính sách của FED và các chỉ số kinh tế vĩ mô trong từng giai đoạn ở Việt Nam.”

Trong bài trình bày về kinh tế vĩ mô, giảng viên Nguyễn Xuân Thành phân tích các động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2022 và các rủi ro đối với ổn định vĩ mô và thị trường tài chính. Bối cảnh là nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi sau khi mở cửa để thích ứng an toàn hậu Covid-19. Thế nhưng, rủi ro các đợt bùng phát dịch Covid vừa giảm thì chiến tranh Nga – Ukraine, chính sách tiền tệ thắt chặt hơn và tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc lại trở thành những yếu tố toàn cầu có thể tác động tiêu cực tới các nền kinh tế thu nhập trung bình như Việt Nam.

Là một giảng viên nghiên cứu về kinh tế, chị Lý Mỹ Dung chia sẻ chị rất tâm đắc với bài trình bày và nó hoàn toàn xứng đáng để chị thu xếp lịch làm việc bận rộn và bỏ thời gian và công sức di chuyển từ Đà Lạt tới Nha Trang để tham dự. “Nếu thời gian cho phép, tôi đã đặt thêm nhiều câu hỏi và thảo luận nhiều hơn với giảng viên Nguyễn Xuân Thành. Được tiếp nhận thêm nhiều kiến thức từ những thầy cô “xịn” như thế của Fulbright thật không gì bằng.”

 

Trong policy talk tại Đà Nẵng cùng chủ đề, những người tham dự đã rất hào hứng và đặt nhiều câu hỏi và thảo luận cùng giảng viên Nguyễn Xuân Thành về các vấn đề kinh tế vĩ mô, đặc biệt là câu hỏi làm thế nào để chính phủ Việt Nam ổn định kinh tế vĩ mô. Theo giảng viên Nguyễn Xuân Thành, ổn định vĩ mô không phải là giữ cố định mọi thứ, giữ cho tỷ giá không thay đổi, hoặc không được phép có thâm hụt ngân sách. Ổn định vĩ mô là khi các nền tảng vĩ mô phải đủ mạnh để rủi ro khủng hoảng tài chính hoặc khủng hoảng kinh tế ở mức rất thấp. Hiện tại ở Việt Nam, chính sách tiền tệ và tài khóa vẫn đang ở trạng thái hỗ trợ mạnh cho tăng trưởng. Nhưng trong bối cảnh giá năng lượng cao và lạm phát bùng lên không chỉ ở Hoa Kỳ mà cả ở châu Âu và nhiều nước đang phát triển thì thanh khoản không còn được cung ra nhiều cho thị trường tiền tệ và thị trường tài chính nữa. Trong bối cảnh đó, những cảnh báo về rủi ro chứng khoán đang và sẽ tạo ra những điều chỉnh trên thị trường cổ phiếu và thị trường bất động sản.

 

Buổi policy talk tại Cần Thơ do TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright trình bày lại tập trung vào một chủ đề mà trường Fulbright đã dày công nghiên cứu trong nhiều năm nay, đó là Đồng bằng sông Cửu Long. Theo TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright (FSPPM), các tỉnh ĐBSCL có xuất phát điểm nghèo, thu ngân sách thấp dẫn đến đầu tư thấp, thiếu quỹ đất sạch và hạ tầng, do đó không thu hút được doanh nghiệp. Khi không có nhà đầu tư, địa phương thiếu việc làm dẫn đến tình trạng di cư lao động, lực lượng lao động suy giảm. Vòng xoáy này tiếp tục kéo các tỉnh ĐBSCL đi xuống. Điều mà ĐBSCL cần là những chính sách đột phá từ bên trong và "cú huých" từ bên ngoài để đảo ngược tình thế, tạo ra một "vòng xoáy đi lên" cho phát triển kinh tế.

 

Ngoài các cựu học viên, những ứng viên tiềm năng của chương trình Thạc sĩ Chính sách công Fulbright cũng như những người quan tâm đến vấn đề ĐBSCL đã đặt những câu hỏi và thảo luận với TS. Vũ Thành Tự Anh nhằm tìm ra những giải pháp để đưa ĐBSCL ra khỏi 'vùng trũng' về phát triển, qua đó góp phần tạo ra một tương lai tươi sáng hơn cho mỗi người dân cũng như toàn thể vùng.

 Thúy Hằng

Những bài viết liên quan

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'