FSPPM và VCCI công bố Báo cáo kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long 2022
August 15, 2022

FSPPM và VCCI công bố Báo cáo kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long 2022

August 15, 2022

Ngày 1/8 tại thành phố Cần Thơ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Lễ công bố Báo cáo Kinh tế Thường niên Đồng bằng sông Cửu Long năm 2022 do VCCI và Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright (FSPPM) thực hiện. Đây là lần thứ hai VCCI và FSPPM phối hợp thực hiện Báo cáo Kinh tế Thường niên cho khu vực ĐBSCL, được coi là báo cáo đầy đủ và duy nhất về một vùng kinh tế trên cả nước.

TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, Trưởng nhóm nghiên cứu.

Báo cáo do nhóm các chuyên gia kinh tế và chính sách hàng đầu Việt Nam thực hiện trong khuôn khổ hợp tác giữa VCCI với FSPPM, trong đó FSPPM chịu trách nhiệm chính về nội dung khoa học. Báo cáo Kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm 2022 với chủ đề "Chuyển đổi mô hình phát triển và Quy hoạch tích hợp" đưa ra thông điệp: ĐBSCL đang đứng trước cơ hội lớn để thay đổi, cần nắm bắt cơ hội, hợp tác để phát triển nhanh nhưng bền vững.

Bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện UNDP tại Việt Nam phát biểu trong Hội nghị.

TS. Vũ Thành Tự Anh – Giám đốc FSPPM, đồng chủ biên (cùng ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI Cần Thơ) đã trình bày tóm tắt nội dung và một số thông điệp chính của báo cáo. Đại diện nhóm nghiên cứu đánh giá khu vực ĐBSCL chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19. Trong năm 2021, cả nước có 9 địa phương tăng trưởng âm thì riêng ĐBSCL đã đóng góp 6, khiến tốc độ tăng trưởng GRDP của vùng đứng thứ hai từ dưới lên, chỉ trên vùng Đông Nam Bộ nơi đại dịch COVID-19 khốc liệt nhất. Hai năm đại dịch giống như "lửa thử vàng" giúp bộc lộ cả điểm mạnh và điểm yếu về kinh tế - xã hội của vùng ĐBSCL.
Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI Cần Thơ.

Tuy nhiên, điểm sáng lớn nhất của ĐBSCL trong hai năm 2020-2021 là nông nghiệp. Xuất khẩu nông thủy sản của vùng đóng vai trò then chốt trong việc duy trì thặng dư thương mại cho cả nước. Tốc độ tăng năng suất lao động nông nghiệp trung bình rất cao, gấp đôi khu vực công nghiệp và dịch vụ. Điều này cho thấy ĐBSCL vẫn còn nhiều tiềm năng chuyển đổi cơ cấu và tăng năng suất. Tuy nhiên, "nghịch lý" tốc độ tăng năng suất lao động nông nghiệp cao hơn hẳn so với công nghiệp và dịch vụ cho thấy hạn chế của hai khu vực này.

Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ.

Trong dài hạn, tăng trưởng và thịnh vượng kinh tế không đến từ nông nghiệp mà đến từ sự chuyển đổi cơ cấu sang công nghiệp và dịch vụ. Vì vậy, nhận diện rõ nét và từng bước tháo gỡ những nút thắt cản trở sự phát triển công nghiệp và dịch vụ của ĐBSCL là điều kiện cần thiết để có thể phát triển vùng đất này.

Về mặt kinh tế, ĐBSCL đang phải đối diện với ít nhất ba "vòng xoáy đi xuống" bao gồm "vòng xoáy ngân sách", "vòng xoáy lao động" và "vòng xoáy cấu trúc kinh tế". Một nút thắt xuyên suốt các thảo luận của cả báo cáo thường niên 2020 và 2022 là cơ chế quản trị, điều phối và liên kết vùng. Các cơ chế này hiện nay thiếu hiệu lực và hiệu quả, trong khi lực "ly tâm" trong liên kết vùng thì mạnh, còn lực "hướng tâm" lại đang rất yếu.

Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

Báo cáo cho rằng chỉ bằng cách phá vỡ một số mắc xích của các vòng xoáy đi xuống về kinh tế - xã hội - môi trường, sau đó đảo ngược thành các vòng xoáy đi lên thì ĐBSCL mới có thể chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế và nâng cao thu nhập cho người dân một cách bền vững.

Các đại biểu tham dự Lễ công bố.

Báo cáo giới thiệu Quy hoạch tích hợp ĐBSCL như một cơ chế có tính pháp lý từ bên trên, có tiềm năng tạo ra và thúc đẩy hợp tác, liên kết vùng. Bản quy hoạch này, nếu được thực hiện, sẽ tác động một cách toàn diện đến nền kinh tế của vùng, đặc biệt đối với chuyển đổi nông nghiệp, hệ thống cơ sở hạ tầng và logistics. Để có thể triển khai những định hướng mới của Quy hoạch tích hợp, đòi hỏi nhiều điều kiện có tính tiền đề, trong đó quan trọng nhất là phải thay đổi cơ bản về tư duy và tầm nhìn phát triển; phải xây dựng được thể chế quản trị và liên kết vùng thực chất, có hiệu lực....

  • Thúy Hằng

Những bài viết liên quan

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'