Hướng tới mô hình doanh nghiệp vì phát triển bền vững
March 17, 2022

Hướng tới mô hình doanh nghiệp vì phát triển bền vững

March 17, 2022

Việc xem xét các tiêu chí về ảnh hưởng môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp (ESG) trong quá trình ra quyết định đầu tư đang có xu hướng gia tăng trong môi trường đầu tư thế giới. Nói ngắn gọn, ESG (Environmental, Social & Governance) là một bộ tiêu chuẩn để đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững và ảnh hưởng của doanh nghiệp đến cộng đồng. Thuật ngữ này thường được sử dụng thay thế cho đầu tư bền vững, đầu tư có trách nhiệm với xã hội và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Các tiêu chí ESG cũng được áp dụng cho khu vực công vì vai trò quan trọng của khu vực công trong việc đạt được mục tiêu phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Thời của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) một cách ồ ạt mà không lưu tâm đến các tác động môi trường và xã hội đang dần qua đi. Dòng FDI chất lượng sẽ tìm đến các nền kinh tế đang phát triển chú trọng vào việc tuân theo các tiêu chí ESG. Hơn nữa, trong nền kinh tế toàn cầu hóa hiện đại, quyền lực của người tiêu dùng là quan trọng và người tiêu dùng ngày càng yêu cầu các sản phẩm được sản xuất tại các quốc gia coi trọng ESG.

 

Nguồn: Internet

Mặc dù ESG là một khái niệm được phát triển bởi khu vực tư nhân và dành cho khu vực tư nhân, nó có thể thực sự phát huy tác dụng và giải quyết được nhiều vấn đề dưới hình thức hợp tác công-tư. Đảm bảo việc sử dụng bền vững năng lượng và tài nguyên, xây dựng các chính sách bảo trợ xã hội cũng như chống tham nhũng là những nhiệm vụ mà cả chủ thể nhà nước và tư nhân đều đóng vai trò thiết yếu. Về bản chất, đây đều là những thách thức toàn cầu mà tất cả các quốc gia đều phải đối mặt, trong đó có Việt Nam.

Nhân kỷ niệm Ngày Bắc Âu 23 tháng 3 năm nay, Đại sứ quán các nước Bắc Âu tại Việt Nam (Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy và Thụy Điển) cùng với Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright (FSPPM) sẽ phối hợp tổ chức hội thảo về chủ đề “ESG – mô hình doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững”. Hội thảo sẽ diễn ra vào ngày 24/3 dưới hình thức trực tiếp (tại khuôn viên FSPPM, TP.HCM) kết hợp trực tuyến.

Nguồn: Internet

Những người tham dự hội thảo có thể tìm hiểu cách các chính phủ Bắc Âu hợp tác với khu vực tư nhân trong vấn đề ESG, cũng như các kinh nghiệm và tình huống thực tiễn cho thấy tác động tích cực của hợp tác công-tư về ESG đối với xã hội Bắc Âu.

Đại diện các doanh nghiệp Việt Nam cũng như các chuyên gia từ cả khu vực công và tư, giới học thuật và các tổ chức xã hội sẽ tham gia hội thảo dưới hình thức trực tuyến, thông qua các bài thuyết trình và các phiên thảo luận, để chia sẻ kinh nghiệm thực tế về câu chuyện ESG. Các chủ đề hướng tới giải quyết các vấn đề như kinh doanh bền vững và có trách nhiệm, phân tích độ nhạy khí hậu, đối thoại xã hội, chống tham nhũng, hợp tác công tư, v.v.

Bắc Âu – tiên phong về ESG

ESG chủ yếu dựa trên ba trụ cột với hàng chục chỉ tiêu cụ thể: về môi trường là các chỉ tiêu như biến đổi khí hậu, sử dụng tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm, thiết kế thân thiện sinh thái, đổi mới sáng tạo; về xã hội là các chỉ tiêu như sức khỏe lao động, an toàn, sự đa dạng, quan hệ cộng đồng, từ thiện, về quản trị là các chỉ tiêu như quyền cổ đông, cơ cấu thành phần và sự đa dạng của hội đồng quản trị, lương ban quản trị, gian lận và hối lộ.

Các nước Bắc Âu thường được coi là những quốc gia tiên phong trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDG). Trong bảng xếp hạng Chỉ số SDG năm 2020 nhằm đo lường tổng tiến trình của một quốc gia nhằm đạt được tất cả 17 mục tiêu phát triển bền vững, trong đó các quốc gia Bắc Âu gồm Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy và Phần Lan được xếp hạng cao nhất. Các nước này cũng thống trị bảng Xếp hạng quốc gia ESG của công ty tư vấn ủy quyền độc lập hàng đầu ISS (Hoa Kỳ).
Đối với các nhà đầu tư tổ chức ở khu vực Bắc Âu, các yếu tố ESG từ lâu đã được công nhận là một thành phần quan trọng của đầu tư. Một cuộc khảo sát giữa các nhà đầu tư tổ chức Bắc Âu do NN Investment Partners thực hiện chỉ ra rằng ESG đã trở thành một tiêu chuẩn trong ngành quản lý tài sản Bắc Âu.
Nguồn: Internet

Không ngạc nhiên khi các quốc gia Bắc Âu được xếp hạng cao trong các bảng xếp hạng ESG quan trọng bởi các nước này luôn giữ truyền thống lâu đời trong việc cùng nhau thúc đẩy phát triển bền vững trong nước và quốc tế - từ việc thành lập Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) sau hội nghị Stockholm năm 1972 cho tới việc xuất bản báo cáo đầu tiên mang chủ đề “Phát triển bền vững khu vực ở các nước Bắc Âu” vào năm 2001 cũng như giới thiệu Chiến lược phát triển bền vững Bắc Âu 2013-2025.

  • Thúy Hằng

Những bài viết liên quan

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'