Những bài học lãnh đạo từ Cựu CEO Standard Chartered Bank Việt Nam
September 29, 2021

Những bài học lãnh đạo từ Cựu CEO Standard Chartered Bank Việt Nam

September 29, 2021

Vừa qua, Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright (FSPPM) đã mời ông Nirukt Sapru, Cựu Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Bank Việt Nam, tham gia thỉnh giảng môn học Lãnh đạo trong khu vực công với những bài học lãnh đạo được đúc kết từ bề dày kinh nghiệm của một người lãnh đạo tổ chức tài chính đa quốc gia trong nhiều năm.

Ông Nirukt Sapru nắm vị trí lãnh đạo Standard Chartered Bank Việt Nam từ tháng 10/2013 đến tháng 1/2021. Đồng thời, từ năm 2015 ông cũng được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc phụ trách khu vực ASEAN và Nam Á của Standard Chartered Bank. Trong nhiệm kỳ của ông Nirukt Sapru, Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam đã ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ ở tất cả các mảng kinh doanh và tạo ra những đóng góp tích cực cho quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam. Vào tháng 4 năm nay, Timo - nền tảng Ngân hàng số đầu tiên tại Việt Nam, chính thức thông báo bổ nhiệm ông Nirukt Sapru trở thành Cố vấn Toàn cầu tại Timo.

 

 

Trong buổi thỉnh giảng, ông Nirukt Sapru đã chia sẻ với các học viên những bài học lãnh đạo mà ông đúc kết được từ sự trải nghiệm rất nhiều khó khăn và thất bại của bản thân. "Nghệ thuật lãnh đạo là khả năng tập hợp được những người bình thường để làm được những điều phi thường với nguồn lực hạn chế, vì lợi ích của xã hội. Tôi hy vọng các bạn trường Fulbright có thể học được những bài học bổ ích" ông nói.

Ngoài việc lắng nghe những bài học lãnh đạo từ ông Nirukt Sapru, các học viên cũng tham gia vào phiên hỏi đáp sôi nổi với cựu CEO về những trải nghiệm, những tình huống cụ thể gặp phải trong quá trình lãnh đạo công ty và tổ chức.

Lãnh đạo bằng sự chân thật

Theo ông Nirukt, để trở thành một người lãnh đạo, trước hết bạn phải là người chân thật (authentic), thực sự hiểu bản thân mình và thể hiện con người thật của mình. Câu hỏi mà ông Nirukt luôn đặt ra cho những người ở vị trí lãnh đạo hoặc mong muốn trở thành lãnh đạo trong các tổ chức lớn đó là: Bạn có thật sự hiểu được bạn là ai? Từ nhỏ đến lớn, điều gì đã hình thành nên con người bạn? Bạn có hiểu tại sao bạn xử sự như thế này mà không phải thế kia? Có bao giờ bạn tự hỏi ảnh hưởng của mình lên người khác như thế nào? Bạn có phải là kiểu người có thể thay đổi phong cách của bản thân để phù hợp với những người đi theo? Phiên bản của bạn ở nơi công sở có phải cũng là phiên bản của bạn ở nhà? Bạn nên thử hỏi các đồng nghiệp ba từ đầu tiên mà họ dành để miêu tả về bạn, sau đó về nhà hỏi bố mẹ, vợ/chồng, con cái và bạn bè của bạn câu hỏi tương tự. Một nhà lãnh đạo thực sự sẽ không nhận được sự khác biệt lớn trong các câu trả lời.

Nhiệm vụ khó khăn nhất với một người muốn trở thành người lãnh đạo là tìm được người đi theo đầu tiên. Chỉ khi xây dựng và duy trì được đội ngũ những người đi theo thì bạn mới có thể đảm bảo vị trí lãnh đạo trong một khoảng thời gian dài.

Khi xây dựng đội ngũ những người đi theo, điều quan trọng nhất là bạn phải tập hợp được những người có tài năng. Ông Nirukt cho rằng phần lớn thời gian của người lãnh đạo dùng để tìm kiếm người tài; bản thân ông trải qua những thời kỳ lãnh đạo thành công nhất là khi tập hợp được những đội nhóm giỏi nhất. Người lãnh đạo giỏi là người có khả năng tìm kiếm và giữ chân người tài, nhưng đồng thời cũng phải ươm dưỡng tài năng và sẵn sàng để họ ra đi khi họ không còn không gian để phát triển.

Lãnh đạo thích ứng

Lãnh đạo thích ứng là khả năng giúp các thành viên của tổ chức thành công khi đối mặt với thử thách và giúp họ thích ứng với sự thay đổi. Theo ông Nirukt, để làm được điều đó, người lãnh đạo cần xây dựng được một văn hóa lâu dài ở công ty và luôn tìm cách để cải thiện và thích ứng văn hóa đó do nhu cầu của công việc, của môi trường luôn luôn thay đổi. Thách thức của những người lãnh đạo ở những tổ chức lớn là xây dựng được một văn hóa gắn kết.

Để làm được điều đó, lời khuyên của cựu CEO Standard Chartered Bank Việt Nam là hãy đặt mình vào vị trí những người mà bạn đang lãnh đạo. Khi một người lãnh đạo giỏi hiểu được bản thân họ và ảnh hưởng mà họ tạo ra đối với người khác, người lãnh đạo sẽ có khả năng thích ứng để nhìn thấy những nhu cầu khác nhau của những người trong tổ chức, hiểu được động cơ và động lực làm việc của những người đi theo mình để từ đó gây ảnh hưởng, định hình, khuyến khích và thúc đẩy những người đi theo mình làm được những điều thành công.

Nhà lãnh đạo ngân hàng kì cựu cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng một đội ngũ đa dạng trong sự dung hợp. Người lãnh đạo phải tận dụng mọi cơ hội để tìm hiểu được các khía cạnh khác nhau của tính cách và lối suy nghĩ của nhân viên để từ đó xây dựng một đội nhóm gồm những con người khác biệt nhưng hoà hợp với nhau.

Một bài học thú vị khác được cựu CEO chia sẻ là "sự dừng lại đúng lúc". Nếu người lãnh đạo không còn cảm thấy vui vẻ với việc mình làm, họ nên dừng lại và nhường không gian cho người khác để họ tận hưởng niềm vui của việc lãnh đạo và dẫn dắt đội ngũ tới những thành công ngày càng lớn hơn. Không có ích lợi gì khi một người cứ tiếp tục làm những việc mà họ không thích thú, đặc biệt là người ở vị trí lãnh đạo, ông Nirukt Sapru nhấn mạnh.

  • Thúy Hằng

Những bài viết liên quan

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'