Phát biểu của Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan trong Lễ Tốt Nghiệp MPP 2021
December 29, 2021

Phát biểu của Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan trong Lễ Tốt Nghiệp MPP 2021

December 29, 2021

Thật là vinh dự cho tôi có mặt tại đây hôm nay đúng vào một ngày nằm giữa hai lễ lớn là Noel và năm mới. Nhân dịp này tôi xin chân thành chúc tất cả quý vị một năm mới hạnh phúc, thành đạt và đặc biệt là an lành không những đối với chúng ta, người thân của chúng ta mà an lành với cả dân tộc và nhân loại.

Thú thật với các bạn là khi tiến sĩ Tự Anh ngỏ lời mời tôi tham dự buổi lễ trang trọng này, tôi rất phân vân đứng trước sự lựa chọn có nên nhận lời hay không. Sở dĩ như vậy là vì tôi là một người vô học mà lại đến rao giảng cho những người đầy tri thức. Đây quả thực là một thách thức quá lớn. Hơn nữa tôi lại đã nghỉ hưu quá lâu, có thể nói là đã nằm trong kho bụi phủ đầy, tôi băn khoăn không biết nên nói gì cho phù hợp với thời đại tân tiến. Nhưng cuối cùng tôi cũng nhận lời với động cơ không trong sáng lắm.

Tôi tham dự với mong muốn được tiếp xúc với sức sống của các bạn trẻ, của những người tri thức đồng thời cũng hy vọng được học hỏi được điều gì đó có ích cho mình. Do đó tôi đã nhận lời trò chuyện với các bạn. Tuy nhiên tôi cũng không có ý định đọc một bài diễn văn dài dằng dặc với ý rao giảng mà tôi muốn được đối thoại các bạn. Trước hết tôi xin có vài ý ngắn ngủi để mở đầu; sau đó mong các bạn trao đổi thẳng thắn về mọi vấn đề quan tâm, về phần mình tôi sẽ cố gắng đáp lại theo tinh thần biết tới đâu nói tới đó. Đối với tôi, đây là cuộc khảo thí khắc nghiệt nhưng rất thú vị, hy vọng được điểm trung bình để đủ mức nhập môn.

 

 

Tôi nói bản thân mình vô học vì quả thật thế hệ chúng tôi sinh ra trong thời kháng chiến chín năm đó, chúng tôi đi học trong trường thiếu sinh quân. Sau khi giải phóng biên giới, chúng tôi được bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đưa sang Quảng Tây, Trung Quốc du học dưới danh nghĩa là trường Thiếu nhi Việt Nam. Sau khi học hết lớp bảy, chúng tôi được đưa sang Liên Xô học tiếng Nga để chuẩn bị đón những chuyên gia Liên Xô đầu tiên vào Việt Nam sau khi ký Hiệp định Geneva. Sau khi học hơn một năm, tôi được cử đến đại sứ quán làm việc và bắt đầu từ đó tại thời điểm 20 tuổi, tôi bắt đầu làm việc và không trải qua một trường lớp đào tạo nào khác. Đầu những năm 60, tôi được đặc cách vào học trường Quan hệ Quốc tế của Liên Xô nhưng sau hai năm học tôi được rút về nước và tôi thi lấy chứng chỉ tại Trường Ngoại giao Việt Nam.

Khác với tôi chỉ qua quá trình “hành” lần tìm cách “học”; còn các bạn đã qua hai lần “học” rồi “hành”. Với việc tốt nghiệp Fulbright, trí tuệ các bạn dung nạp cả hai loại “gien nội” và “gien ngoại”. Vấn đề còn lại là làm sao kết hợp nhuần nhuyễn hai thành tố ấy, tạo nên một gien mới hiệu quả hơn chứ không tạo ra tình trạng xung đột, thậm chí loại trừ nhau vì như vậy có thể gây bạo bệnh.

Thế hệ chúng tôi đã từng chứng kiến bốn bước ngoặt đổi đời dân tộc ta : (i) vào năm 1945, cách đây 67 năm, từ nước thuộc địa và kiếp nô lệ trở thành nước độc lập, dân tự do; (ii) từ nước liên tục hứng chịu 3 cuộc chiến tranh xâm lược suốt mấy chục năm đều đã chiến thắng, hòa bình được khôi phục giang sơn đã thống nhất; (iii) từ một nước nghèo nàn lạc hậu, hứng chịu sự tàn phá, hy sinh ghê gớm qua các cuộc chiến ác liệt đi đôi với cơ chế kế hoạch hóa tập trung quan liêu – bao cấp tồn tại trong nhiều năm và nay nhờ đổi mới toàn diện đã trở thành nước thu nhập bình quân đầu người thuộc loại trung bình thấp; (iv) từ nước bị cô lập về chính trị, bao vây về kinh tế, nay đã hội nhập sâu rộng chưa từng có vào thế giới đương đại với một tâm thế chững chạc!

Giờ đây các bạn sẽ phải gánh vác sứ mạng thực hiện cuộc đổi đời thứ năm là trong 10 năm tới nâng tầm đất nước lên trình độ nước thu nhập trung bình cao và tới 2045 – kỷ niệm 100 năm nước VN độc lập ra đời thì theo phải nâng tầm đất nước mình lên hàng thế giới thứ nhất của các nước phát triển.

 

 

Làm thế nào để thực hiện được sứ mạng vinh quang và đầy thử thách như vậy là trọng trách của các bạn và thế hệ trẻ, tôi xin mạnh dạn chia sẻ cùng các bạn đôi ba điều suy ngẫm:

Thứ nhất, như bà Đàm Bích Thủy và TS. Vũ Thành Tự Anh đã nói, cuộc sống “muôn màu muôn vẻ” và đặc biệt các bạn ra trường vào thời điểm đất nước chúng ta và cả thế giới đang bước sang một giai đoạn hoàn toàn mới với rất nhiều biến đổi rất sâu sắc. Theo góc nhìn cá nhân của tôi, chúng ta đang chứng kiến là thế giới chuyển sang một trạng thái mới khác hẳn với trạng thái trước đây. Mục tiêu đưa nước ta từ một nước có thu nhập trung bình thấp vươn lên trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và gia nhập nhóm các nước phát triển vào năm 2045 cũng là một bước ngoặt rất lớn. Trách nhiệm lớn lao này tạo ra rất nhiều thách thức mới mẻ và trông đợi ở các bạn.

Nước ta vốn có tài nguyên thiên nhiên đa dạng nhưng trữ lượng không lớn. Chúng ta thường nói “rừng vàng biển bạc” nhưng rừng bị phá hoại rất nhiều, biển cũng bị khai thác cạn kiệt. Ngay đất đai tính theo mật độ dân số cũng không nhiều và đang thu hẹp nhanh chóng. Chúng ta chỉ còn trông cậy vào nguồn lực con người và các bạn chính là hiện thân cho sức sáng tạo của con người Việt Nam. Mong rằng các bạn sẽ phát huy được những tri thức tích lũy được ở Trường Fulbright để đi tiên phong trong hàng ngũ xây dựng đất nước Việt Nam ta giàu mạnh.

Cá nhân tôi cũng muốn chia sẻ với các bạn là các bạn sẽ trở lại cơ quan nhà nước. Ở đó, các bạn vẫn phải làm việc trong hệ thống công quyền. Tuy hệ thống đã có nhiều đổi mới nhưng vẫn còn rất nhiều trở ngại mà các bạn phải đối mặt. Theo kinh nghiệm bản thân, tôi thấy có hai điều các bạn nên chú ý: thứ nhất, tính chuyên nghiệp hay kỹ năng làm việc của hệ thống dịch vụ công ở nước ta còn rất nhiều vấn đề. Nhiều chính sách có chủ trương rất đúng nhưng lại không được triển khai hiệu quả trong thực tiễn cuộc sống. Nguyên nhân thì có nhiều nhưng một trong những nguyên nhân là do tính chuyên nghiệp của bộ máy công quyền còn chưa cao.

 

 

Nhân tố thứ hai cũng rất quan trọng chính là văn hóa dù ít người đề cập đến yếu tố này. Văn hóa ở đây bao gồm cả văn hóa dân tộc nói chung và văn hóa tổ chức nói riêng. Dân tộc ta có nhiều nét văn hóa độc đáo và đẹp đẽ. Điều này tôi không đi sâu ở đây vì mỗi người chúng ta đều đã rõ đặc biệt là qua cuộc chiến chống COVID.

Ông cha ta có câu nói “tốt khoe, xấu che” nhưng tôi nghĩ chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận thực tế. Tôi kể một câu chuyện để chứng minh khác biệt trong văn hóa nước ta với các nước khác.

Một trong những đặc trưng của văn hóa Việt Nam là rất cần cù, đó là điều không ai có thể bác bỏ. Nhưng tôi tự hỏi chả lẽ chỉ có mình người Việt Nam là chăm chỉ cần cù. Các dân tộc khác như Trung Quốc, Nhật Bản cũng rất chăm chỉ. Vậy sự chăm chỉ của Việt Nam khác gì với sự chăm chỉ của Nhật?

 

 

 

Qua thực tiễn tôi quan sát thấy người Việt Nam tuy rất cần cù nhưng lại không tỉ mỉ, thiếu sự chỉn chu nhưng lại có khả năng thích nghi rất nhanh. Trái lại người Nhật thì cần cù và chỉn chu đến từng chi tiết nhưng lại thiếu sự mềm dẻo và linh hoạt. Trong thời gian tôi làm ở Bộ Ngoại giao, khi chuẩn bị đón đoàn cấp cao, bộ phận Lễ tân có trình lên chương trình đón tiếp dài một trang dù chúng ta nhấn mạnh tinh thần đón tiếp trọng thị, chân tình và tiết kiệm. Trái lại, khi tôi sang Nhật với tư cách Thứ trưởng, chương trình đón tiếp của Nhật dài năm trang văn bản dày đặc. Tôi thán phục trước sự tỉ mỉ của người Nhật và nhắc nhở nhân viên về sự cẩu thả khi lên kế hoạch đón tiếp đoàn đại biểu cấp cao nhưng nhân viên cam đoan vẫn sẽ lo chu toàn mọi việc. Quả thật, người Việt Nam có cách hành xử linh hoạt còn người Nhật khi tình huống thay đổi họ lúng túng không biết xử lý thế nào mặc dù chuẩn bị rất kỹ. Chúng ta phải hiểu văn hóa của dân tộc ta và văn hóa của các nước khác. Thậm chí, trong một đất nước, văn hóa giữa từng vùng miền cũng rất khác biệt. Không hiểu biết hoặc hiểu biết không thấu đáo về văn hóa sẽ rất dễ dẫn đến nhiều trục trặc.

 

Điều cuối cùng tôi muốn nói với các bạn, như bà Đàm Bích Thủy và TS. Tự Anh đã nói “nhân tài là nguyên khí của quốc gia”. Đại học sỹ Thân Nhân Trung thời Lê vào thế kỷ XV đã nhấn mạnh cả hai về: “hiền” và “tài” với hàm ý là cả “đức” lẫn “tài”. Thật lý tưởng nếu trong một người quy tụ được cả hai mặt ấy nhưng gì thì gì cái “đức” vẫn là nền tảng vì có tài mà không có đức thì ít ra nói chẳng ai nghe, nhiều ra thì có thể phá tan cả sự nghiệp không chỉ của cá nhân mình mà cả sự nghiệp chung; ngược lại nếu chỉ có đức mà không có tài thì cũng chí ít cũng tạo nên sự trì trệ. Tôi thực sự mong và tin rằng, các bạn khi trở lại công việc sẽ là những hiền tài chứ không chỉ có tài không hoặc chỉ có đức không, chỉ có như vậy nước ta mới thực hiện được ước mơ trở thành nước công nghiệp phát triển.

Cảm ơn các bạn đã lắng nghe!

 

Những bài viết liên quan

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'