Tác động Kinh tế và Xã hội của Xung đột: Nghiên cứu Phân tích Đa quốc gia
August 30, 2022

Tác động Kinh tế và Xã hội của Xung đột: Nghiên cứu Phân tích Đa quốc gia

August 30, 2022

Mối quan hệ xung đột - phát triển xã hội thường không được đề cập nhiều trong các nghiên cứu thực nghiệm, chủ yếu do thiếu dữ liệu phù hợp để đo lường chất lượng giáo dục và y tế ở các vùng có xung đột trong những thập kỷ gần đây. TS. Lê Thái Hà và Bùi Mạnh Tiến, Trợ lý Nghiên cứu Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright là đồng tác giả của bài nghiên cứu về “Tác động kinh tế và xã hội của xung đột: Nghiên cứu phân tích đa quốc gia” đăng tải trên tạp chí Economic Modelling.

Nghiên cứu về tác động của xung đột đến phát triển được tiến hành trên số liệu thu thập từ 109 quốc gia trong 24 năm từ 1996 – 2019. Đóng góp quan trọng nhất của nghiên cứu nằm ở việc cung cấp những hiểu biết sâu sắc hơn về mối quan hệ xung đột - phát triển bằng cách xem xét cả hai khía cạnh kinh tế và xã hội dựa trên các chỉ tiêu về tăng trưởng kinh tế, tuổi thọ và trình độ học vấn.

Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng xung đột có tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế xã hội cả trong ngắn hạn và dài hạn, xung đột không những tác động đến kinh tế thông qua việc tàn phá cơ sở hạ tầng, gián đoạn sản xuất và đầu tư mà còn ảnh hưởng đến nguồn cung và chất lượng nhân lực cho hoạt động kinh tế bao gồm giảm tuổi thọ và số năm đi học kỳ vọng. Tác động của xung đột cũng khác biệt theo thu nhập. Theo đó, các quốc gia thu nhập thấp bị ảnh hưởng nặng nề hơn các quốc gia thu nhập cao khi xảy ra các tình huống tranh chấp và xung đột. Giải thích cho hiện tượng này, có thể chỉ ra rằng xung đột và chiến tranh xảy ra ở các nước thu nhập thấp thường nghiêm trọng hơn so với các quốc gia thu nhập cao hơn. Các cuộc nội chiến và xung đột thường diễn ra tại các quốc gia thu nhập thấp ở Châu Phi, Châu Á hay Châu Mỹ La Tinh, tác động trực tiếp đến kinh tế và đời sống của người dân. Trong khi đó, các quốc gia phát triển hơn thường tham gia vào các cuộc xung đột quốc tế, không nhất thiết có ảnh hưởng đến phát triển kinh tế và xã hội trong lãnh thổ của mình. Tại các quốc gia có chất lượng quản trị nhà nước tốt hơn, người dân thường có nhiều cách khác nhau để đề xuất nguyện vọng của mình, trong khi chính phủ cũng phản ứng tốt hơn trước các yêu cầu của người dân và cung cấp dịch vụ công hiệu quả hơn, từ đó hạn chế được các xung đột nghiêm trọng.

Ảnh: Số lượng xung đột bạo lực theo loại. Nguồn: Tác giả tự tính toán dựa trên Petterson đtg. (2021). 

Nghiên cứu đề xuất rằng các rủi ro về xung đột vũ trang và bạo lực nên trở thành một trong những yếu tố trọng tâm trong hoạch định chính sách phát triển bền vững, với nỗ lực giảm tỷ lệ xung đột thông qua các cải cách chính sách và viện trợ hiệu quả để duy trì niềm tin của người dân vào chính phủ thông qua đảm bảo các quyền tiếp cận cơ bản đến các dịch vụ an sinh xã hội. Tác động của xung đột là bất cân xứng, không chỉ giữa các nhóm nước mà còn giữa các nhóm dân cư khác nhau trong cùng một quốc gia. Các nhóm dễ bị tổn thương như dân tộc thiểu số, người di cư và người tị nạn cần được hỗ trợ nhanh chóng. Các quốc gia thu nhập thấp trải qua xung đột và chiến tranh cần nhận được các chương trình viện trợ quốc tế, không chỉ là tài chính mà còn cả hỗ trợ kĩ thuật, đi kèm với tăng cường năng lực quản trị và kiểm soát tham nhũng, để xây dựng lại hệ thống thể chế và hoạt động kinh tế có khả năng chống chịu và phục hồi tốt sau xung đột.

Chi tiết bài nghiên cứu, download TẠI ĐÂY

  • Bùi Mạnh Tiến

Những bài viết liên quan

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'