Trường Fulbright và con đường phi lợi nhuận của chuyên gia công tác xã hội kỳ cựu
April 29, 2022

Trường Fulbright và con đường phi lợi nhuận của chuyên gia công tác xã hội kỳ cựu

April 29, 2022

Vào năm 2019, anh Phạm Trường Sơn – phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Phát triển cộng đồng LIN (nơi anh làm việc từ năm 2009-2021) – có cuộc gặp gỡ và phỏng vấn với một người bạn đang lãnh đạo một doanh nghiệp xã hội về bảo vệ trẻ em bị xâm hại tình dục. Trong câu chuyện nối dài về các vấn đề xã hội, người bạn khuyên anh nộp hồ sơ và học chương trình thạc sĩ Chính sách công của Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright (FSPPM) với một mục đích “đại diện cho khối xã hội chia sẻ góc nhìn, cất tiếng nói về những vấn đề mà các tổ chức phi lợi nhuận, phi chính phủ muốn lên tiếng.”

Thông tin từ người bạn, năm đó cũng đang theo học chương trình này tại FSPPM, là tin vui với anh Phạm Trường Sơn vì từ lâu anh đã biết đến Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright (FETP), tiền thân của FSPPM, nhưng không ứng tuyển theo học vì được biết chương trình chỉ mở cho những ứng viên công tác trong khu vực công. Nay với chương trình đào tạo thạc sĩ chính sách công cho đa dạng học viên đến từ cả ba khối: công, tư và các tổ chức xã hội, FSPPM trở thành lựa chọn hàng đầu của anh Sơn cho mục tiêu chinh phục tấm bằng thạc sĩ.

Mong muốn được học trường Fulbright đã nung nấu trong tôi từ lâu; hơn nữa, tôi luôn quan tâm đến vấn đề phản biện chính sách, vận động chính sách ở Việt Nam với tư cách là một người đã làm việc trong lĩnh vực phi chính phủ, phi lợi nhuận trong hơn 20 năm,” anh Sơn kể lại.

Cuộc nói chuyện với người bạn đã thôi thúc anh tìm hiểu để nộp đơn vào trường. Dự buổi giới thiệu tuyển sinh, anh càng thêm tâm đắc với khẳng định của TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc FSPPM, rằng phần lớn các trường hợp điển cứu (case studies) của chương trình sẽ được lấy từ thực tiễn ở Việt Nam. Hơn 20 năm làm việc với các tổ chức phi lợi nhuận, quản lý các hoạt động và chương trình cộng đồng cũng như tiếp cận với thanh niên, trẻ em và cộng đồng những người dễ bị tổn thương ở Việt Nam, anh Sơn nhận thức sâu sắc những khó khăn và thách thức mà những người làm việc trong các tổ chức xã hội phải đối mặt trong bối cảnh của Việt Nam và mong muốn tìm ra những giải pháp để triển khai công việc được dễ dàng hơn. 

Đó cũng là cơ duyên dẫn anh đến với trường Fulbright, trở thành học viên Thạc sĩ Chính sách công khóa 2019-2021 (MPP2021), chuyên ngành Lãnh đạo & Quản lý.

Không gian mở

Được thành lập năm 1995, FETP đã góp phần đào tạo một thế hệ lãnh đạo và quản lý mới ở Việt Nam trong suốt thời kỳ đất nước bắt đầu mở cửa và tiếp cận với kinh tế thị trường. Khi tình hình kinh tế-xã hội Việt Nam phát triển, tầm nhìn của những người sáng lập trường mở rộng hơn để thu nạp những học viên thạc sĩ chính sách công đến từ đa dạng các lĩnh vực, tạo thành một bức tranh xã hội thu nhỏ trong ngôi trường với các thảo luận cởi mở và đa chiều, hướng tới mục tiêu xây dựng một xã hội Việt Nam tốt đẹp hơn.

Nếu như Nhà nước, thị trường và xã hội là ba chân kiềng của quá trình phát triển kinh tế-xã hội, tại trường Fulbright, học viên đến từ ba khu vực công, tư và các tổ chức xã hội đã tạo nên một không gian học thuật độc đáo, gần như “có một không hai” so với các trung tâm đào tạo thạc sĩ khác ở Việt Nam. Đó cũng là điều mà anh Phạm Trường Sơn vô cùng tâm đắc.

Không gian mở dành cho học viên cả ba khối cùng những thảo luận cởi mở với sự điều phối rất khéo léo của các thầy cô chính là một đặc sản của Fulbright mà các trường khác không có. Tại đây, tôi được tiếp xúc với những bạn đồng môn đến từ khu vực công và tư, được lắng nghe và thấu cảm hơn với những thách thức của họ; những buổi chia sẻ, thảo luận và sắm vai giúp tôi hiểu hơn về mối quan hệ giữa các bên,” anh Sơn chia sẻ.

Anh cho rằng sự đa dạng ngành nghề và góc nhìn từ nhiều phía đã giúp người học hiểu hơn về bối cảnh xã hội, vai trò của các khối ngành và nhất là sự đóng góp của từng thành viên với các vấn đề của đất nước. Ngoài những giờ học trên lớp, những buổi tọa đàm, thảo luận với sự tham gia của học viên, cựu học viên FSPPM đã kết nối những mối quan hệ nhiều bên, mang lại nhiều kiến thức bổ ích và sâu sắc cho anh và mọi người, đồng thời tạo thành mạng lưới giúp ích cho công việc và cuộc sống. Cụ thể, anh Sơn là thành viên tích cực của Ban liên lạc hội Cựu học viên trường Fulbright (FSA), cùng các cựu học viên khác tổ chức những chuyến đi đến ĐBSCL để thực địa, hỗ trợ địa phương phát triển, hay những dự án từ thiện vì cộng đồng mùa dịch Covid...

Gắn với thực tiễn

Từ một người chỉ biết đến lĩnh vực xã hội, anh Phạm Trường Sơn thu nạp những kiến thức về kinh tế, về luật, về chính sách một cách bao quát với chương trình học mà theo anh, “được thiết kế hết sức độc đáo cho lớp Lãnh đạo & Quản lý ở tầm vĩ mô. “Những bài đọc mà các giảng viên lựa chọn, những môn học mà giảng viên thiết kế ở trường Fulbright thực sự rất đặc sắc, làm sáng tỏ và thay đổi tư duy khiến tôi nhớ mãi,” anh nhận xét.

Gắn bó lâu năm với công việc của giới phi lợi nhuận, phi chính phủ, anh Sơn thừa nhận mình cũng như nhiều anh em trong nghề mang nhiều “mơ mộng”, mong muốn thúc đẩy triển khai những thiết chế xã hội có thể lý tưởng nhưng không khả thi trong điều kiện của Việt Nam. Tuy nhiên, học ở trường Fulbright không chỉ làm giàu thêm kiến thức và thay đổi tư duy mà còn giúp anh nhìn nhận được thực tế, thay đổi cách nhìn và điều chỉnh hướng đi của mình phù hợp với thực tế hơn.

Khi làm trong lĩnh vực phi lợi nhuận, tôi đã có cơ hội được học về những khung thể chế mang tính chất rất Bắc Âu, rất Mỹ mà chưa chắc đã có thể áp dụng ở Việt Nam. Tôi cũng từng mong muốn Việt Nam sẽ thúc đẩy những vấn đề như các nước phương Tây và chỉ nhắm vào một loại hình thể chế nào đó. Tuy nhiên, trường Fulbright đã giúp tôi nhận ra có rất nhiều mô hình và nhiều con đường khác để đi đến đích, chứ không phải nhất định chỉ có làm thế này hay thế kia,” anh Sơn cho hay.

Anh Sơn nhớ mãi một bài giảng của PGS. TS. Phạm Duy Nghĩa ở trường Fulbright về quản trị nhà nước và quyền lực của các bên, và khung lý thuyết này đã được anh áp dụng nhiều lần để lên kế hoạch cho các hoạt động của mình. Chẳng hạn, thay vì mục tiêu tư vấn cho Mặt trận Tổ quốc trong các hoạt động hỗ trợ cộng đồng, anh với tư cách là một chuyên gia công tác xã hội có thể cung cấp thông tin về cộng đồng cho Mặt trận Tổ quốc thông qua một trung tâm an sinh xã hội.

Tôi đã hiểu cách mình có thể áp dụng khung lý thuyết về sự tham gia của các bên, vận dụng quyền lực của bên có quyền lực để phục vụ cho cộng đồng. Đặc biệt sau đại dịch Covid-19, chúng tôi thấm thía tầm quan trọng của việc xây dựng các mô hình an sinh xã hội để kết nối mọi nguồn lực và phân phối nguồn lực tới cộng đồng. Để giải quyết những vấn đề xã hội thì cần có sự tham gia của tất cả các bên, bởi nếu mỗi bên làm riêng rẽ thì không thể giải quyết được những vấn đề xã hội, đặc biệt là khi những người lao động trong khu vực phi chính thức là những người nằm ngoài hệ thống bảo hiểm xã hội,” anh Sơn chia sẻ.

Anh Sơn cũng đánh giá cao trường Fulbright vì sự tận tụy của đội ngũ giảng viên và tính liêm chính của trường đặc biệt được đề cao. “Tính liêm chính sẽ giữ cho thương hiệu của trường. Tôi cũng rất đồng cảm với Trường ở điểm này vì các tổ chức phi chính phủ cũng đặt tính minh bạch, giải trình và liêm chính là những giá trị hàng đầu.”

Thời điểm nhận tấm bằng thạc sĩ Fulbright cũng là lúc anh Phạm Trường Sơn có ngã rẽ trong sự nghiệp, khi anh quyết định bước ra khỏi vùng an toàn, nghỉ công việc lâu năm ở một tổ chức để “bung tỏa” những ý tưởng với kiến thức, kỹ năng và mạng lưới kết nối thu nạp được từ chương trình MPP. Anh đã thành lập một cộng đồng mang tên Cộng đồng các tổ chức phi lợi nhuận miền Nam (SNPO) để thúc đẩy các hoạt động phi lợi nhuận, nhận các hợp đồng tư vấn, đánh giá, khảo sát... liên quan đến cộng đồng. Hiện tại, anh là Giám đốc Tình Thân Foundation, một tổ chức tài chính vi mô cho phụ nữ nghèo thành thị tại TP. HCM.

Fulbright đã giúp mình thấy được một bối cảnh toàn diện hơn để quay vào bên trong chính mình, quyết định cuộc sống cũng như con đường phi lợi nhuận riêng ở tương lai,” anh Sơn viết trong một chia sẻ gửi đến Trường trước lễ Tốt nghiệp MPP2021 hồi cuối năm ngoái.

  • Thúy Hằng

Những bài viết liên quan

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'